Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

TỔNG KẾT NGẮN VỀ CON ĐƯỜNG NĂNG LỰC CỦA ĐẠI ẤN

Bản chất của con đường năng lực của Đại Ấn là chuyển hóa năng lực trong Trung Mạch. Trong đó, ba giai đoạn chuyển hóa năng lực phổ biến như chúng ta đã có lần đề cập gồm:
+ khí (prana)
+ mạch (lung)
+ hạt(thigle).
Các chuyển hóa xét theo ba cấp độ nêu trên hòa trộn vào nhau và thường gây phân vân cho hành giả Đại Ấn trong chặng đầu của hành trình. Tuy nhiên kể từ khi các thigle (hạt, “mặt trời”) xuất hiện thì sự chuyển hóa năng lực sẽ rõ rệt hơn.
Khởi đầu là sự thắp sáng của chuỗi “một triệu mặt trời” trong trung mạch. ( Xin các anh chị vui lòng tham khảo thêm Tụng ca về giáo lý một triệu mặt trời – tr 197, Cầu Vồng – Đoàn Hải An - NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2008).
Tiếp theo là sự hình thành nên thân quang và đầu quang. (Xin tham khảo thêm Tụng ca về sự duy trì thân quang như thành tựu tâm – tr211, sách đã dẫn).
Sự liên hệ và chuyển hóa năng lực mãnh liệt như ánh sáng giữa hai trung tâm ngực và trán của hành giả tương đương với giai đoạn Ahimsa. (Xin tham khảo Ahimsa – Đen & Cam, Đoàn Hải An – NXB Hồng Đức, Hà Nội 2011).
Nếu chuyển hóa năng lực trong giai đoạn Ahimsa chín muồi, hành giả sẽ chuyển sang đối mặt với giai đoạn Bhavamukha. Trong giai đoạn này, năng lực được liên hệ và chuyển hóa mãnh liệt như ánh sáng từ trung tâm trán lên đỉnh đầu. Trong Bhavamukha, vì sự tế nhị của năng lực hiện hữu của nghiệp bị đe dọa nên hành giả đối diện với cái chết vật lý một cách trực tiếp.
Tiếp theo, nếu hành giả vẫn lựa chọn tham gia đời sống thế tục thì y sẽ trở nên nhân chứng của Cây Sự Sống – Asvattha.
[ Tha Nhân ]

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

TỔNG KẾT NGẮN VỀ CON ĐƯỜNG NHẬN THỨC CỦA ĐẠI ẤN

Con đường nhận thức của Đại Ấn là hành trình dài đánh thức Tính Thấy (Rigpa) và phủ định chính nó.
Tính Thấy thoạt tiên phải tiếp cận bằng ý chí và sự khai thác các nỗ lực trong đời sống, trong thiền định, trong mộng hoặc một số hoàn cảnh đặc biệt khác... Tính Thấy đồng thời là kết quả của sự nhẫn nại chối bỏ sự chi phối của các giác quan vật lý trong những quá trình nêu trên.
Có nhiều cách để miêu tả sự phát triển của nhận thức. Cách mô tả ngắn gọn nhưng khó tiếp cận rốt ráo nhất là sự phô diễn nhận thức như quy luật Nhân Quả!
Cách diễn giải nhận thức phát triển từ đó là sự dung giải Ngũ Uẩn như biện pháp thù thắng để xóa bỏ các hôn ám ngăn che Tính Thấy. Như vậy, xét về bản chất, sự câu thúc Ngũ Uẩn hay sự bành trướng của Tưởng Uẩn để đạt tới mục tiêu cuối cùng là khai ngộ Tính Thấy đều có giá trị như nhau.
Tương tự, những thủ pháp phá chấp trong kỹ thuật Thiền (Zen) cũng giúp cho hành giả khai ngộ và trưởng dưỡng Tính Thấy. Do đó chúng cũng có giá trị tương đương!
Sau khi khai ngộ Tính Thấy và gìn giữ nó để Tính Thấy phát triển thành cơ hội mẹ, hành giả sẽ chính thức biến đổi để trở thành một Rhishi trong truyền thống Đại Ấn. Rhishi có nghĩa đen là thi nhân thấu thị. Để trở thành một Rhishi hoàn hảo, hành giả phải hoàn thiện ít nhất bốn bước đầu tiên trong tám cấp chuyển hóa, bao gồm:
+ chuyển hóa thân thể vật lý
+ chuyển hóa các kinh mạch bí mật
+ chuyển hóa thực phẩm, không khí và ánh sáng
+ chuyển hóa các mối liên hệ nhân sự.
Bốn cấp tiếp theo là:
+ lời nói
+ thi ca
+ âm nhạc
+ vô âm.
Sau Rhishi là trạng thái Sagata, có nghĩa là an ổn trong phúc lạc. Sau Sagata là sự phủ định nhận thức cuối cùng để trở thành Thánh Nhân Vô Học hay A-la-hán (Arhat).
Như vậy, quá trình mô tả các cấp độ chuyển hóa nhận thức trong Đại Thủ Ấn tỏ ra khá ngắn gọn và khó hình dung. Do đó, có lẽ sẽ có ích hơn nếu như hành giả đối chiếu sự trưởng thành nhận thức thông qua các truyền thống khác, thí dụ:
+ sự vận động của nhận thức thông qua nỗ lực bành trướng của 18 bậc chân không
+ sự vận động của nhận thức thông qua tổng kết về Nhị Quang Tam Bệnh của Càn Phong
+ sự vận động của nhận thức thông qua tổng kết về bốn thị kiến Togal của trường phái Dzogchen

Các bài viết liên quan đều đã được trình bày trong page. Tiếc rằng chúng khá tản mạn, hy vọng các anh chị và các bạn sẽ tham khảo các bài viết này trong sự độ lượng!
Cuối cùng, tôi cũng xin nhắc lại rằng Đại Thủ Ấn là con đường hoàn hảo mà trong đó hành giả trưởng thành trên cả hai phương diện là nhận thức và năng lực. Do đó sẽ không ưu tiên cho giải thoát trong kiếp hóa sinh tiếp theo như trong Kinh của người nghe kinh của Đức Thế tôn đề cập hay kém thanh tịnh như cách bộc lộ của một hành giả Thuần Quán.
Như vậy ngay sau sự nhảy múa của trạng thái Rhishi là sự bất động viên mãn (akuppa) do trải nghiệm về nhận thức cuối cùng – Ahimsa. Gìn giữ trải nghiệm này sẽ dẫn đến quá trình thần hiệp cuối cùng, khi mà hành giả tiến hành phủ định nhận thức trong Bhavamukha.
Cho đến khi y thấy nhận thức trở nên trống rỗng… Tất cả còn lại của đời sống chỉ là ấn tượng về một thân cây khổng lồ nối thông giữa trời và đất. Đó là trạng thái nhận thức trong giai đoạn Asvattha – Cây Sự Sống.
Trong Asvattha, hành giả tắm mình trong ánh sáng của Cây Sự Sống. Tất nhiên, y sẽ nhanh chóng nhận ra bản chất ánh sáng của vạn hữu cũng như bản chất ánh sáng của nhận thức của chính mình.
Vì thế, trong quá trình vận động của nhận thức, tuy Nhân Quả là quy luật khó nắm bắt nhưng không lấy nó làm phương thức để đối chiếu thì hành giả sẽ nhanh chóng lạc lối…
- Tại vì sao lại như vậy?!
Câu trả lời rất đơn giản:
- Nhân Quả là ánh sáng
  [Tha Nhân]

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

ASVATTHA

Ngoại trừ Asvattha, mọi hiện hữu đều hư ảo!

 Asvattha, trước nhất là hậu quả của nỗ lực chấm dứt sự chi phối của thế giới ảo ảnh. Điều này dường như là một nghịch lý hy hữu mà tại đó, quá trình đoạn lìa các pháp hữu hình hữu hoại rốt cuộc hiện thực hóa một khía cạnh khả dĩ nắm bắt của Thực Tại Bất Diệt. Giống như hình tướng của nó bộc lộ cho các Rhishi; cộng với đặc tính thù thắng của nó mà Asvattha được gọi là Cây Sự Sống.
 Thế nào là nỗ lực của một hành giả nhằm chấm dứt sự chi phối của thế giới ảo ảnh?!
Thật tuyệt diệu! Như một món quà và cũng là sự trớ trêu của đời sống tâm linh, thế giới ảo ảnh thoạt tiên sẽ bị nhận chân và tấn công không phải bởi các đường lối kỹ thuật mà chính bởi (tiến trình) nhận thức… Ngay vào thời điểm hành giả nhận thức rõ ràng các đặc trưng vô thường, khổ, vô ngã của đời sống thì sự chi phối của thế giới ảo ảnh bắt đầu tan loãng. Kể từ đó, hành giả nhập cuộc vào một tiến trình không thể đảo ngược. Tuy nhiên, tình thế giằng co giữa các lực lượng đối lập diễn ra rất cam go như chúng ta sẽ xét sau đây… Và hầu như nếu không có sự tiếp sức của Asvattha thì người thắng cuộc trong trường hợp này không phải là hành giả mà là Vô Minh.
 Quay lại với giá trị của (tiến trình) nhận thức. Yếu tố tâm linh này, dù chỉ mới bắt đầu được đánh thức cũng sẽ làm khởi phát dòng chảy năng lực trong cơ thể năng lượng của hành giả. Quá trình dài hơi này thực chất lại bao gồm hai chiều hướng phản ứng dường như đối lập. Đó là sự dần đóng kín các căn mà có thể liên hệ chúng với chín cửa hiện hữu trên thân thể. Song song với chiều hướng đó là sự dần mở ra khiếu vô hình trên đỉnh hộp sọ của hành giả. Khiếu này như trong kinh văn Hindu đề cập, tựa như cửa thứ mười (vô hình) trên thân thể vậy!
Hai xu hướng đối lập này, tuy vậy là sự kéo dài cần thiết để hành giả chuyển hóa thân tâm từ bình diện phàm nhân trở nên thánh hóa. Tuy vậy giai đoạn tế nhị này đồng thời cũng chính là bẫy rập của hành giả. Giống như trong kinh văn miêu tả về nó như là “sự an trú trong đô thành có mười cửa”, hành giả có thể bị mắc kẹt trong sự an trú đó mà không thể bứt phá về đích giải thoát tối hậu.
Điều oái oăm thường trực xảy ra là một mặt hành giả đã kịp nếm mùi giải thoát nhưng một mặt y vẫn quyến luyến đời sống thế tục. Trò chơi bập bênh này trở nên lôi cuốn hành giả và y trở thành một kẻ phóng dật siêu đẳng!
Ngay lập tức có hai ngả rẽ xuất hiện cho sự lựa chọn của hành giả. Hoặc y đồng nhất sự giác ngộ với kinh nghiệm và lạc trong phóng dật. Hoặc y tiến tới sự giác ngộ thực sự chỉ với niềm tin và khiêm tốn, bất chấp kinh nghiệm!
 Trong bối cảnh của kinh nghiệm, hành giả có trải nghiệm đại giác nhưng vẫn duy trì được ngôn ngữ, cách biểu đạt thế tục.v.v… do đó y nhanh chóng bị đôn lên như tư cách của một đạo sư! Sự say mê trò chơi vô minh này là lối tử đã chôn vùi không biết bao nhiêu hành giả!
Như vậy, một kết luận quan trọng sẽ được nêu ra ở đây như một trích ngang. Nhưng vì kết luận này mang tính hệ trọng sống còn đối với một hành giả nên thiết nghĩ sự trích ngang này là cần thiết, đó là: giải thoát là chấm dứt phóng dật. Cho đến chừng nào mà sự phóng dật vẫn còn thì sự ô nhiễm các căn vẫn còn đó. Mọi lý lẽ đều chỉ là bao biện và hành giả vẫn đang trôi lăn trong trò chơi mang tên giác ngộ.
 Ngược lại, trong bối cảnh của xác tín và khiêm tốn, cảnh giới đồng nhập với Cây Sự Sống sẽ mở ra!
Đời sống tâm linh của một hành giả giờ đây mới chín mùi và y quả thực đã được cứu rỗi!
Vâng! Asvattha khác biệt và siêu việt tất cả các pháp! Asvattha là cứu cánh duy nhất khiến sự ô nhiễm các căn chấm dứt. Trong bối cảnh đồng nhất với Asvattha, hành giả mới có cơ hội chấm dứt phóng dật một cách tự tại và không cần nỗ lực.
 Trong quá trình đồng nhất với Asvattha – Cây Sự Sống, có thể hành giả gặp một số khó khăn khi cố gắng tái sử dụng các giác quan. Dẫu sao điều này cũng sẽ nhanh chóng qua đi… Hơn thế nữa, niềm hỷ lạc vô tận từ Cây Sự Sống khiến cho hành giả tràn trề năng lực biểu đạt mà không nhất thiết phải là ngôn từ hay những gì tương tự.
Niềm phúc lạc lớn lao đó, mạnh mẽ định tuyến như một suối nguồn bất tận tuôn trào từ trên cao thẩm thấu vào đỉnh đầu hành giả; len lỏi dẫn xuống toàn thân và bành trướng khắp xung quanh người y. Không những thế, những sắc màu ảo diệu của Cây Sự Sống này còn không ngừng biến hóa, tương tác và giao thoa mạnh mẽ với những dòng chảy Nhân Quả trong “đời sống” của hành giả. Từ “đời sống” được nhấn mạnh để trỏ trạng thái mà ở đó ưu thế của dòng năng lượng của Asvattha đã xác lập. Hành giả thực sự nếm trải “đời sống” chứ không phải “đời chết” như trước đây…
Cây Sự Sống, vào lúc cao trào trở thành nguồn sáng tác, cảm hứng và bộc lộ những hình ảnh đẹp đẽ về chính nó. Nhưng có lẽ, dấu ấn quan trọng nhất và đồng thời trở thành tác động chi phối hoàn toàn hành giả là sự khiêm tốn!
Sự khiêm tốn vì vậy, quả thực đã trở thành đức tính đồng thời là dấu trỏ để nhận biết một cá thể giác ngộ!
Sự khiêm tốn đó thể hiện như thế nào?! Thường xuyên chúng ta bắt gặp đức tính đó xuất hiện như một sự lú lẫn. Ở đầu này của những biểu hiện là sự kính trọng thái quá các mảnh hồn đời sống và ở đầu bên kia là sự sùng mộ Thượng Đế. Dù rằng đối với một hành giả đắc pháp thì Thượng Đế chỉ là khái niệm ám chỉ sự hoàn hảo của Tồn Tại!
(trích Asvattha - bản thảo 2015) [Tha Nhân]

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

HẠNH PHÚC


Taittiriya Upanishad (Yajur Veda):

“Sau khi đã thực hành tu luyện khổ hạnh, nghiêm khắc, anh ta đã hiểu rằng hạnh phúc (ananda) là Brahman; bởi vì, thật vậy, do hạnh phúc vạn vật này đã được sinh ra; khi được sinh ra, do hạnh phúc đã làm cho vạn vật sinh sống; khi phân hủy, nhờ hạnh phúc, vạn vật nhập vào trong nó, hợp nhất với hạnh phúc.
Đây là nghi thức thông thái được Varuna chỉ dạy và được Bhrigu học tập. Nó đã được thiết lập trong akasa tối cao (trong trái tim). Anh ta, người hiểu biết được điều này đã được thiết lập trong niềm hạnh phúc của Brahman. Anh ta trở thành người sở hữu thức ăn và người ăn thức ăn. Anh ta trở thành người vĩ đại trong con cháu và gia súc, trong ánh sáng linh hồn và trở thành người cao quý trong danh tiếng”.

Như vậy chúng ta thấy rằng hạnh phúc là cao quý; là thông thái và là nguồn gốc của Sự Sống. Đó là sự thực vĩ đại!
Nếu có ai đó trong chúng ta còn hồ nghi về sự thực này thì quả là đáng tiếc!
-       Vì sao lại đáng tiếc?
Vì rằng nếu còn hồ nghi, người đó sẽ không thể nào nếm trải hạnh phúc. Hạnh phúc cùng tột của việc trưởng thành cá nhân là Niết Bàn(*).
Nếu như chúng ta không hiểu rõ ràng rằng Niết Bàn là cội nguồn của Sự Sống ấy vậy thì chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy tướng Tịch Diệt của Niết Bàn. Vì chỉ chấp vào tướng Tịch Diệt của Niết Bàn nên hành giả cho rằng Niết Bàn là ích kỷ; là tiêu cực; là giải thoát cá thể và khác lạ với tư duy “Đại Thừa”…
Tôi cho rằng xuất phát từ sự ấu trĩ này cho nên mới nảy sinh một đám đông chuyên chú lăng mạ các tu sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy về xu hướng đạt tới giải thoát như Niết Bàn của họ!
Có lẽ chúng ta cũng nên thống nhất lại một lần nữa, rằng: tuy hạnh phúc tu tập là lớn lao song không phải là mục tiêu phấn đấu của một tu sĩ (**). Mục tiêu cá nhân của một tu sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy, như lời Đức Phật dạy là “sự giải thoát của tâm” của vị đó. Tuy nhiên, hạnh phúc như một phó sản của quá trình tu tập của một cá nhân lại trở thành lợi lạc lớn lao cho nhân gian!
Hạnh phúc vì thế mà chính là thứ “thần thông” toàn diện nhất mà một vị tu chứng đem lại cho cộng đồng.
Hạnh phúc vì thế mà chính là cống hiến to lớn mà một vị tu chứng Niết Bàn đem lại cho cộng đồng.

-       Hạnh phúc đó ở đâu?!
-       Vì đâu mà cảm nhận được hạnh phúc đó?!
Hạnh phúc đó ở trong tim! Vì trái tim mà cảm nhận được hạnh phúc. Điều này “đã được thiết lập trong akasa tối cao trong trái tim”!

-       Vậy, cách nào để hạnh phúc đó xuất hiện?!
Kinh văn nói rằng: “sau khi đã thực hành tu luyện khổ hạnh, nghiêm khắc, anh ta đã hiểu rằng hạnh phúc (ananda) là Brahman”…
Gần như tất cả chúng ta đều bị lầm chấp rằng hạnh phúc sẽ đạt tới nhờ thực hành tu luyện khổ hạnh. Điều này là bất trí!!! Thực tế cho thấy nhiều nỗ lực thực hành khổ hạnh dẫn đến tổn thương không hồi phục về thân thể và tâm lý.
Thực hành khổ hạnh tuy vậy sẽ rốt ráo lợi lạc cho bất cứ ai hiểu rõ bản chất của nó… Như vậy, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu bản chất thực sự của thực hành khổ hạnh trước khi tiến hành áp dụng thực tế.

-       Vậy, ý nghĩa thực sự của thực hành khổ hạnh là gì?
Thực hành khổ hạnh là biện pháp giản dị nhưng lợi ích nhất để xả trừ bản ngã. Nếu không ý thức được điều này thì sự thực hành khổ hạnh quả là lãng phí lớn lao nếu không muốn nói là lầm lạc.
Quả thật!
Do ý thức thường trực về xả trừ bản ngã(*) nên thực hành khổ hạnh mới mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Ngược lại nếu không ý thức về xả trừ bản ngã thì thực hành khổ hạnh chỉ là nỗ lực tự bạo hành mà thôi!

Vấn nạn phát sinh tiếp theo cần cứu xét là nếu như có một hành giả ý thức thường trực về xả trừ bản ngã(*) thì hành giả đó có cần tiến tới thực hành khổ hạnh không?!
Câu trả lời sáng rỡ ở đây là: nếu như có một hành giả ý thức thường trực về xả trừ bản ngã thì hành giả đó sẽ tự nhiên tiến tới thực hành khổ hạnh!
Vì lý do đó mà kinh văn trực tiếp chỉ ra: “sau khi đã thực hành tu luyện khổ hạnh, nghiêm khắc, anh ta đã hiểu rằng hạnh phúc (ananda) là Brahman(*)”…

-       Vậy điều gì mới thực sự quan trọng với một hành giả thực hành khổ hạnh? Bản thân quá trình thực hành khổ hạnh có thực sự quan trọng với hành giả hay không?!
Hiển nhiên là quá trình thực hành khổ hạnh sẽ không còn quan trọng nếu như nó không nội hàm hạnh phúc. Nói cách khác thì hạnh phúc mới là mục đích nhưng thực hành khổ hạnh lại chính là phương tiện thù thắng.
Một khi hành giả hiểu rõ sự tương tác giữa hai phạm trù đó, y mới khiến cho nỗ lực thực hành khổ hạnh vươn tới hạnh phúc trọn vẹn! Điều này thật là trọn lành!
Trong sự sáng suốt của việc ý thức rõ ràng về mục tiêu của thực hành khổ hạnh, hành giả sẽ nhận chân được hạnh phúc và đau khổ chẳng phải là hai trạng huống đối lập. Ở đó, đau khổ chỉ đơn giản là hạnh phúc chưa trọn vẹn do thiếu vắng sự xả trừ bản ngã. Ngược lại, hạnh phúc thậm chí có thể gặt hái trọn vẹn dựa trên kể cả những trải nghiệm đau đớn một khi hành giả đã trưởng thành về vô ngã(*)…

Nói cách giản dị thì hạnh phúc là vô ngã!

Chú thích:
(*) Xin các anh chị vui lòng đọc thoát ý! Xin cảm ơn!
(**) Xin vui lòng tham khảo Trung A-hàm! Xin cảm ơn!

[Tha Nhân]